Có một sự thật tưởng chừng nghịch lý nhưng không thể chối bỏ: chỉ riêng việc con người tồn tại, hít thở, sinh hoạt, đi lại, tiêu dùng… đã là một quá trình góp phần vào ô nhiễm môi trường. Và nếu như vậy, thì lời kêu gọi “hãy sống xanh”, “hãy giảm phát thải”, “hãy cứu lấy hành tinh” không thể chỉ dừng lại ở các chiến dịch, các phát ngôn truyền thông hay những hành vi “trang trí đạo đức” bên ngoài. Mà phải bắt đầu từ một sự chuyển hóa thật sự trong tư duy và hành vi sống mỗi ngày.
Thế giới hiện đại tạo ra nhiều giải pháp để xử lý ô nhiễm – trong đó có thị trường tín chỉ carbon. Nhưng phải thừa nhận, nhiều trong số các giải pháp ấy, dù mang danh nghĩa “công nghệ xanh”, vẫn là những công cụ tính toán kinh tế, hơn là biểu hiện của sự tỉnh thức hay lòng yêu thiên nhiên đích thực. Có những quốc gia, những doanh nghiệp, sau khi phát thải hàng triệu tấn khí nhà kính, chỉ cần chi tiền mua lại tín chỉ carbon để tuyên bố rằng họ “trung hòa phát thải”. Nhưng điều đó, rốt cuộc chỉ là mua lại quyền được ô nhiễm bằng cách chuyển gánh nặng sang nơi khác – nơi mà người dân chưa từng là thủ phạm, nhưng phải trở thành đối tượng giữ rừng, nhịn ăn, nhịn phát triển, để bán đi cái gọi là “quyền không thải ra khí”.
Đằng sau những thuật ngữ “phát triển bền vững”, “xanh hóa chuỗi giá trị”, “nền kinh tế tuần hoàn”,… là những bài toán phức tạp về lợi nhuận, sự cạnh tranh, và cả tâm lý xoa dịu trách nhiệm. Và ở đó, đôi khi chính những người mang danh trí thức, chuyên gia môi trường, chuyên gia kinh tế, những nhà “khoa học”, những người tổ chức các diễn đàn khí hậu,… lại rơi vào vòng xoáy tự huyễn hoặc. Họ tưởng mình đang đóng góp cho sự cải thiện của hành tinh, nhưng thực chất đang tiếp tay cho một cơ chế vận hành dựa trên các thước đo giả định và những quyền lợi ngầm định.
Lối thoát – nếu có – không nằm ở thị trường tín chỉ, không nằm ở hội nghị quốc tế, càng không nằm ở sự xoa dịu tạm thời. Mà nằm ở mỗi con người có đủ dũng khí nhìn lại chính mình, thừa nhận mình là một phần của vấn đề, rồi từ đó mới có thể chân thật chuyển hóa để trở thành một phần của giải pháp.
Thay đổi thật là thay đổi cách sống, cách tiêu dùng, cách suy nghĩ về sự hiện diện của mình trên hành tinh này. Là từ bỏ lối sống tiêu thụ vô độ, từ bỏ niềm kiêu hãnh rằng con người là trung tâm vũ trụ. Là chấp nhận rằng mỗi quyết định nhỏ trong đời sống thường ngày – ăn gì, mặc gì, di chuyển thế nào, bỏ đi cái gì – đều có tác động tới môi trường sống chung.
Chúng ta không cần những “anh hùng môi trường” hay “dự án vĩ đại”. Chúng ta cần nhiều hơn những người sống bình thường mà ý thức sâu sắc, tiêu dùng ít lại, yêu thiên nhiên hơn, biết quý trọng sự im lặng của một buổi chiều không tiếng xe, hay vẻ đẹp giản dị của một bữa ăn không bao bì nhựa.
Khi ấy, chúng ta không cần mua tín chỉ carbon để chứng minh rằng mình “sạch”, mà chính đời sống giản dị, tiết chế, và tỉnh thức của ta đã là tín chỉ sống xanh chân thật nhất.
Bởi vì cuối cùng, trái đất không cần chúng ta cứu – mà chỉ cần chúng ta thôi đừng phá.
————-
With Metta
TT