Có một giai đoạn nào đó trong đời, người ta bắt đầu học cách sống thiện. Không phải vì bị ai bắt ép, cũng không hẳn vì muốn được ca ngợi, mà chỉ đơn giản vì nhận ra rằng sống hiền lành, chánh niệm, không làm tổn thương ai – dường như là một lối sống đáng sống.
Ban đầu là học, bắt đầu từ việc nghe pháp, đọc kinh, xem những câu chuyện về lòng từ bi. Rồi học cách im lặng khi có ai đó nổi nóng, học cách nhường nhịn khi thấy người khác bướng bỉnh, học cách dịu lại trước những điều trái ý. Trong lòng khởi lên một mong muốn: được trở thành người hiền lành, sống có đạo, có chất thiền trong từng lời ăn tiếng nói.
Cũng từ đó, hành vi bắt đầu đổi khác. Nói nhẹ hơn, bước chậm lại, ăn uống đơn giản hơn, cư xử mềm mỏng hơn. Thậm chí, có lúc cảm thấy mình đã sống khác với trước kia rất nhiều. Có người khen, trong lòng thầm vui. Có khi chưa ai khen, vẫn thấy lòng nhẹ vì nghĩ rằng mình đã sống gần với con đường đúng.
Thế rồi có lúc, trong một khoảnh khắc rất đời thường, tâm lại nổi lên những thứ tưởng đã bỏ lại rất xa. Một ánh nhìn thiếu thiện chí từ ai đó, một lời xúc phạm bất ngờ, một hành động gây tổn thương – thế là giận, buồn, tổn thương, phản ứng. Mọi lý tưởng về lòng bao dung, về sự tĩnh tại… bỗng dưng mờ đi. Chỉ còn lại cảm xúc sống sượng, nguyên sơ, không kịp che đậy.
Có chút bất ngờ. Có chút hụt hẫng. Không phải đã học nhiều rồi sao? Không phải đã hành trì, đã sửa mình, đã nói năng cẩn trọng đó sao? Sao vẫn phản ứng như xưa?
Và từ đó, một nhận ra nhẹ nhưng sâu: hình như điều thiện bấy lâu vẫn là cái thiện của lý trí, của học hỏi, của mong muốn trở thành. Chưa phải cái thiện sinh ra từ sự lặng lẽ tuôn chảy trong nội tâm.
Giống như một người bắt chước đi đứng của người tỉnh thức, nhưng trong lòng vẫn còn đầy lăng xăng. Giống như học thuộc những câu Phật ngôn, nhưng chưa để từng chữ thấm vào tầng sâu của tâm thức. Giống như nhìn vào ánh sáng mà chưa thực sự để ánh sáng đi qua mình.
Có khi người ta làm điều tốt, sống có vẻ hiền lành, nhưng là để tránh điều xấu, chứ chưa phải đã hiểu rõ bản chất điều thiện. Có lúc sống nhẹ nhàng là vì sợ xung đột, chứ không phải vì lòng đã bình an. Có khi nhẫn nhịn là vì sợ mất mặt, chứ không phải vì đã thật sự thấy được cái lợi ích của nhẫn.
Có những điều nhìn tưởng là tốt, nhưng động cơ phía sau lại không hoàn toàn trong sáng. Và cũng có lúc, tâm tưởng đã an nhưng thật ra chỉ là tạm yên vì chưa đụng tới chỗ sâu.
Lúc ấy, nếu đủ lặng, sẽ thấy rằng con đường chuyển hóa không phải là thay đổi dáng vẻ bên ngoài, mà là quay vào quan sát tận gốc những gì khởi lên trong từng sát-na. Không còn đánh giá mình tốt hay xấu, chỉ cần quan sát. Không còn cố để giống ai đó, chỉ cần thấy rõ sự vận hành của thân – tâm – cảnh trong từng hơi thở.
Khi giận, thấy giận. Khi so đo, thấy so đo. Khi muốn được khen, thấy khao khát đó. Khi làm việc thiện, cũng tự hỏi: có mong được công nhận không? Khi im lặng, có thật sự an không, hay chỉ là đang nhịn?
Dần dần, từ cái thấy đó, tâm tự nhiên đổi. Không cần phải gồng mình làm người tốt, không cần dựng lên một hình ảnh đẹp. Chỉ cần sống thật, sống tỉnh.
Và trong cái thật ấy, có chất của thiện lành. Một thứ thiện không phô diễn, không cần tuyên bố, không mang khẩu hiệu. Một thứ thiện như bông hoa nở trong rừng, không ai nhìn cũng vẫn nở. Như dòng suối mát lặng lẽ chảy qua rừng sâu, chẳng ai khen vẫn mát lành.
Có thể, người đời vẫn chưa thấy ai đó hiền. Có thể, bản thân cũng không dám tự cho mình là tốt. Nhưng nếu có thể sống từng ngày mà thấy rõ từng biến chuyển trong tâm, thấy được niệm sân vừa sinh ra rồi tàn đi, thấy được sự chấp ngã đang yếu dần, thì đó đã là điều kỳ diệu.
Không cần trở thành người tốt.
Chỉ cần bớt đi một chút phản ứng vô minh, một chút dính mắc vào cái tôi, một chút kỳ vọng được ca ngợi.
Và sống với ánh sáng tỉnh thức trong từng việc nhỏ.
Thế là đủ.
——–
With Metta
TT