Có những người không bao giờ lớn tiếng. Họ nói khẽ, cười mỉm, đi nhẹ và dường như không làm tổn thương ai. Nhưng ở đâu đó phía trong, có một thứ đang sôi. Một thứ giận dữ không được gọi tên, không được thừa nhận, không có chỗ để đi.
Không phải ai sống im lặng cũng an ổn. Có những người âm thầm nổi giận mỗi ngày. Họ giận vì mình không được hiểu. Giận vì mình luôn phải chịu đựng. Giận vì người khác vô tâm, và giận chính mình vì đã không dám nói ra. Nhưng họ không nổ tung. Họ nén. Họ giấu. Họ dồn tất cả vào trong lòng, như thể đang giữ một nắm lửa dưới lớp áo len dày.
Theo năm tháng, sự giận dữ ấy không biến mất. Nó chỉ đổi hình. Nó biến thành ánh nhìn lạnh. Thành những lời nói châm chích tưởng như vô tình. Thành sự nghi ngờ, phản ứng thụ động, hoặc đôi khi là im lặng tuyệt đối như một cách trả thù không tên. Và rồi, nó biến thành ảo tưởng – về việc mình không được yêu, không được công nhận, không được tôn trọng… mặc dù có khi, chưa ai từng nói như thế.
Khi người ta không dám sống thật, họ bắt đầu sống bằng cách bắt chước. Họ quan sát những người được yêu thương, được lắng nghe, và học theo: cử chỉ, lời nói, phong cách, thậm chí cả cảm xúc. Họ không muốn là mình, vì nghĩ rằng mình chưa từng đủ. Họ tin rằng nếu giống ai đó hơn, họ sẽ được yêu nhiều hơn.
Nhưng thứ học được từ bên ngoài không bao giờ lắp đầy được khoảng trống bên trong. Họ dần hoang mang giữa điều mình thật sự cảm nhận, và điều mình đang thể hiện. Mỗi ngày, họ cố gắng “trở thành” một phiên bản nào đó mà xã hội khen ngợi. Và rồi mệt. Và rồi lạc. Và rồi sợ bị phát hiện. Sợ rằng nếu ai đó thấy con người thật của mình, thì sẽ quay đi.
Sự giận dữ bị chôn vùi lâu ngày không làm họ dữ dằn, mà làm họ xa lạ. Xa chính mình, và xa những người xung quanh. Họ không biết làm thế nào để được yêu mà không phải diễn. Họ cũng không biết thế nào là một mối quan hệ mà ở đó, họ có thể thở một cách trọn vẹn, không cần kiểm soát biểu cảm, không cần gồng lên làm người tốt.
Nhưng tận sâu bên dưới lớp diễn ấy, vẫn có một đứa trẻ đang ngồi co ro. Đứa trẻ từng giận mà không dám nói. Từng khóc mà không ai hỏi. Từng nói thật lòng, rồi bị cho là “bày đặt”. Đứa trẻ ấy không cần ai giải thích. Chỉ cần một người đến và nói: “Tôi ở đây. Em không cần giả vờ nữa.”
Rồi từ nơi đứa trẻ đó, ánh sáng nhỏ bắt đầu trở lại. Không rực rỡ. Không phô trương. Nhưng đủ ấm để ai đó thôi phải gồng, thôi bắt chước, thôi nghĩ rằng mình cần phải khác đi thì mới xứng đáng được thương.
Có lẽ, sự chữa lành thật sự không phải là biến ai đó thành người tốt hơn. Mà là để họ được là chính họ, một cách không sợ hãi.
———-
With Metta
TT