Bữa đó, tôi đi dự đám tang ở gia đình một người bạn. Trong không gian tang lễ, tiếng tụng niệm vang lên đều đặn – Chú Đại Bi, Vãng Sanh… Mấy thầy ngồi trang nghiêm tụng, tiếng mõ nhẹ vang như một nhịp thở khác của thời gian.
Ngồi cạnh tôi là một anh bạn đồng nghiệp. Anh quay sang hỏi nhỏ:
– Mấy thầy đang đọc gì vậy? Sao thuộc hay dữ vậy dữ vậy?
Cũng chẳng biết anh ấy hỏi để test xem tôi có biết không hay là anh ấy hỏi hỏi để biết – vì anh nhìn ngoài đơn giản nhưng nội tâm phức tạp. Tôi đáp đơn giản:
– Đó là mấy bài chú. Các thầy cũng như mình đọc nhiều thì thuộc. Các thầy cũng là học và hành nhưng mình công tác chuyên môn.
Anh lại hỏi:
– Vậy “chú”- (cách thi thoảng anh xưng với tôi) có dịch được mấy bài đó không?
Tôi lắc đầu và nói:
– Chú thì không cần dịch. Có dịch ra cũng không chắc hiểu. Em thì chỉ đọc sách, các bài chú giải để hiểu đại ý thôi, chứ chưa có trải nghiệm thật. Mà nghĩ lại, nếu đã trải nghiệm rồi… chắc cũng chẳng cần phải nhớ nữa.
Lát sau, thì cũng lúc mọi người được mời ở lại dùng bữa. Mâm cơm có cả món chay lẫn mặn – đơn sơ mà đầy đủ. Người đến chia buồn rồi cũng Ngồi lại cùng ăn với gia đình. Tiếng bát đũa lách cách, tiếng nói chuyện nhỏ nhẹ. Cùng lúc đó, gia chủ làm lễ cúng tiễn vong để chuẩn bị di quan… nên có tụng bài Chú Biến Thực.
Anh bạn tôi lại hỏi:
– Các thầy đang đọc là bài gì?
Tôi đáp:
– Bài đó gọi là Chú Biến Thực. Đại khái là để chuyển hóa món cúng thành vật thực mà các vong linh, chúng sinh ở cõi khác có thể thọ dụng. Vì không phải ai cũng ăn được như mình.
Anh tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Nghĩa là người đã khuất không ăn được cơm canh mình cúng kiểu như mình đang ăn sao?
Tôi gật đầu:
– Phải chuyển hóa. Giống như cơm cho người sống muốn nuôi thân phải chuyển hóa dưỡng chất, thành năng lượng. Còn với người đã khuất, cần năng lượng tâm linh, lòng thành – mới thành “thực phẩm” cho họ.
Tôi nhìn lại mâm cơm. Tôi không phải người ăn chay hoàn toàn – thỉnh thoảng vẫn dùng món mặn, tùy duyên. Nhưng suy cho cùng, món ăn dù là gì, sau khi ăn vào, cũng chỉ chuyển hóa thành dưỡng chất – nuôi cái thân này sống thêm một ngày.
Cũng như Chú Biến Thực kia – là để chuyển đổi.
Không chỉ chuyển món ăn – mà còn chuyển tâm người sống.
Chuyển từ buồn đau sang niệm nhớ. Từ vướng bận sang buông xả.
Tôi nghĩ, cái ta thật sự “ăn” mỗi ngày không phải chỉ là cơm rau cá thịt – mà là cảm giác, là trải nghiệm, là phiền não hay an vui …
Có khi đầy đủ món ngon, mà tâm thì rỗng.
Có khi chỉ chén cháo trắng, mà lòng lại bình an.
Người sống hay người đã khuất – rốt cuộc, đều cần được nuôi dưỡng. Nhưng thứ cần nuôi không phải luôn là thân xác. Mà là tâm. Là sự có mặt. Là tình thương. Hay đơn giản là một niệm tưởng thanh tịnh.
Một bữa cơm tang lễ – người sống ăn, người khuất cũng có phần.
Mỗi tiếng tụng, mỗi câu chú – không chỉ gọi mời các cõi vô hình, mà còn nhắc nhở những người còn đang sống:
Đừng chỉ sống để ăn. Hãy ăn để tỉnh thức.
Vì đôi khi, một muỗng cơm chánh niệm còn nuôi được nhiều thứ hơn cả một đời vội vã.
—-
With Metta
TT