Sáng ngày 1/5, đứa cháu nhắn tin hỏi:
“Cậu Ba ơi, lễ này cậu có về quê không ạ?”
Tôi đáp:
“Cậu tranh thủ làm cho xong việc, còn nhiều chuyện đang dang dở.”
Cháu lại hỏi:
“Ủa, ngày Quốc tế Lao động mà cậu, sao không nghỉ?”
Tôi chỉ nhắn:
“Hì hì.”
Nhưng rồi cháu tiếp tục hỏi, với vẻ ngây thơ nhưng thấm đẫm sự tinh tường:
“Con thấy Ngày Phụ nữ thì người ta làm những việc để tôn vinh phụ nữ, Ngày Môi trường thì người ta đi trồng cây,…. Sao Ngày Lao động thì lại… nghỉ làm?”
Tôi bật cười nhưng rồi chợt lặng đi. Tôi ngồi đó, không còn là cậu Ba của một đứa trẻ, mà như người bị gọi về đối diện với chính mình.
Tôi cố giải thích lịch sử ngày 1/5, những cuộc đấu tranh lao động ở Chicago, những người công nhân đổ máu vì quyền lợi chính đáng.
Cháu nhắn tin: Con thích lịch sử và có tìm hiểu. Nhưng hiện tại có mấy ai tưởng niệm ngày đó và nhớ được ý nghĩa đâu. Toàn cứ nghỉ để chơi, để đi đây đi đó và xem là cơ hội chứ không phải như những gì lịch sử đã có. ….
Cháu hỏi lại hỏi tiếp:
“Vậy con người chúng ta có giả dối quá không ạ?”
Lúc đó, tôi không thể né tránh được nữa. Tôi tôn trọng lịch sử và ý nghĩa của các sự kiện lịch sử. Kỷ niệm cũng quá đúng, nhưng cũng như cháu tôi, tôi quán sát lại mình và quan sát xung quanh. Trong tâm, nhớ lại và thử phân tích xem thực trạng hiện nay.
Như trong Phật giáo, con người thành nhiều loại tâm sở. Khi con người tạo ra một ngày nghỉ để “vinh danh lao động” nhưng lại… không lao động, điều đó không đơn thuần là nghịch lý, mà là biểu hiện của ba căn bất thiện:
– Tham (lobha): Người ta muốn nghỉ ngơi, muốn thoát khỏi lao lực, muốn được thụ hưởng. Ngày lễ trở thành cái cớ cho thỏa mãn thân tâm.
– Si (moha): Không thấy rõ bản chất hành động – gọi là “tôn vinh lao động” nhưng thực chất lại lẩn tránh nó, sống trong ảo tưởng rằng một ngày nghỉ có thể thay thế cả quá trình kính trọng.
– Mạn (māna) và Ngã kiến (sakkāya-diṭṭhi): Con người tự cho rằng mình làm như vậy là văn minh, là “tôn trọng nhân quyền”, nhưng sâu trong tâm lại là sự tô vẽ cái tôi tập thể.
Trong Đạo gia đề cao “vô vi nhi vô bất vi” – làm mà như không làm, thuận theo Đạo. Nhưng xã hội loài người thì ngược lại: nghỉ mà tưởng là nghỉ, nhưng trong đầu đầy lo toan, sân si, đố kỵ, tính toán.
Ngày nghỉ không phải để trở về với tự nhiên, mà để mua sắm, du lịch, phô bày, tranh đua. Đó là hình thức của hữu vi trá hình, gọi là nghỉ nhưng tâm lại lao động nhiều hơn.
Con người tạo ra những ngày như 1/5 không phải vì thuận lẽ tự nhiên, mà vì muốn điều khiển tự nhiên, lịch sử và cảm xúc, như thể con người là trung tâm vũ trụ. Điều này trái với tinh thần “Đạo pháp tự nhiên”.
Nho giáo dạy: “Lễ giả, lý chi tiết dã” – Lễ là sự biểu hiện cụ thể của lý. Nhưng khi Lễ bị tách khỏi Lý, thì sinh ra giả dối. Ngày lễ trở thành hình thức bề mặt. Treo băng-rôn “Chào mừng ngày Quốc tế lao động” nhưng cả xã hội thì chen chúc đi du lịch, mua sắm, phô trương — đó là Lễ không còn mang Lý.
Khi lễ nghĩa bị phô trương, mà không đi kèm sự tu thân, thì con người rơi vào trạng thái giả danh nghĩa chính để phục vụ tư lợi cá nhân.
Từ góc nhìn rộng hơn, con người là loài duy nhất biết mình đang sống và biết mình sẽ chết — và để đối phó với sự bất an này, con người tạo ra ý nghĩa, biểu tượng, và nghi lễ để xoa dịu nỗi bất toàn.
Ngày Quốc tế Lao động là một biểu tượng – ban đầu có giá trị phản kháng và đòi công bằng, nhưng dần dần bị biến tướng thành một cớ nghỉ dưỡng tập thể.
Con người tạo ra ngày nghỉ không phải để quay về với chính nghĩa ban đầu, mà để phục vụ ham muốn an nhàn, trốn tránh nghĩa vụ, hợp lý hóa sự tiêu thụ và hưởng thụ, đồng thời vẫn muốn giữ bộ mặt “tốt đẹp” và “có lý”.
Đó là bản năng giả tạo tập thể – không phải ai cũng có ý đồ xấu, nhưng tập thể con người cùng vận hành theo cơ chế duy trì ảo tưởng.
Câu hỏi của cháu tôi:
“Vậy con người chúng ta có giả dối quá không ạ?”
Là một câu hỏi mà cả thế giới người lớn phải tự vấn. Chúng ta không chỉ tạo ra giả dối — mà còn biện minh cho sự giả dối đó bằng hàng trăm lớp ngôn từ, lý do, hình thức xã hội.
Nếu không có tuệ giác soi chiếu, con người sẽ cứ thế tiếp tục dựng lên các ngày lễ, các biểu tượng, các khẩu hiệu… chỉ để che đi sự mỏi mệt, tham vọng và nỗi bất an sâu thẳm trong lòng mình.
———————-
With Metta
TT