Chúng ta lớn lên với lời dạy rằng phải sống tử tế, biết nhận lỗi, và cố gắng trở thành một người tốt. Nhưng rồi có những lúc, tôi tự hỏi: liệu ta đang thực sự học làm người tốt, hay chỉ đang học cách diễn cho giống người tốt?
Ngày nay, có quá nhiều người mang danh nghĩa đạo đức nhưng lại che đậy đằng sau là sự giả dối, tính toán và tự huyễn. Chưa tốt mà đã nghĩ mình tốt, đó là một ảo tưởng nguy hiểm. Khi ta tưởng mình đủ tốt, ta sẽ không còn muốn thay đổi. Ta bắt đầu phán xét người khác, chỉ trích sai lầm của họ trong khi lại dễ dàng tha thứ cho những điều sai trái của chính mình.
Tệ hơn nữa, có người mắc lỗi rồi viện đủ mọi lý do để bào chữa: “Vì tôi mệt quá”, “Vì người ta ép tôi như vậy”, “Vì tôi không còn lựa chọn nào khác”… Họ nói xin lỗi nhưng lời xin lỗi lại trống rỗng, vội vã như một thủ tục bắt buộc. Rồi đôi khi, họ rút lại chính lời xin lỗi ấy như thể chưa từng có gì xảy ra.
Thật ra, không ai buộc chúng ta phải hoàn hảo. Nhưng điều cần thiết là sự trung thực với chính mình, dám nhìn nhận điểm chưa tốt, dám thừa nhận lỗi lầm mà không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác. Một lời xin lỗi thật sự không nằm ở lời nói mà nằm trong thái độ, sự thay đổi và hành động sau đó.
Làm người tử tế không phải là một vai diễn mà là một quá trình học suốt đời. Và nếu có thể bắt đầu từ đâu đó, thì có lẽ, ta nên bắt đầu từ việc ngưng nghĩ rằng mình đã đủ tốt rồi.
———–
With Metta
TT