Phạm Văn Trọng Tính

Dạo bước chốn nhân gian!

Góp ý

Hồi xưa, tôi có một thằng em đồng nghiệp – mới ra trường, còn tôi đã lăn lộn trong nghề vài năm. Trong công việc, tôi hay chỉ bảo nó, góp ý rất thẳng. Kiểu như:
– “Cái này làm sai rồi, làm vậy không ổn đâu.”
– “Sao em chọn cách đó? Có những cách nào khác không?”
Tôi nghĩ mình nói đúng, và cũng chẳng nặng lời gì. Nhưng dần dà, tôi thấy nhiều người nghe mình… không vui. Có người im lặng, có người tự ái. Vài năm sau, thằng em đó đi học tiếp bên Tàu, về thành TS, gặp lại vẫn gọi tôi là “anh”. Nó cười hiền, rồi nói:
– Anh hồi đó góp ý tụi em đúng thiệt, nhưng… hơi thẳng. Người nghe dễ phản ứng. Em nghĩ nếu anh nói khéo chút thì mọi người sẽ dễ chịu hơn.
Tôi nghe vậy, lúc đầu cũng định cười xòa cho qua. Vì theo tôi, nếu chỉ học cách nói cho hay, cho dễ nghe – thì cũng chỉ là kỹ năng ngoài da, không thay đổi gì bên trong. Nó giống như mình ép một người đang giận phải cười – cái cười đó làm sao thật? Tôi vẫn “sợ” những kỹ năng giao tiếp nó làm cho con người ta ngày càng giả dối hơn…
Nhưng tôi bắt đầu soi lại chính mình – không phải ở lời nói, mà ở tâm.
Tôi hỏi:
– Mình đang nói từ tâm gì? Có phải từ ngã mạn, muốn chứng tỏ mình đúng? Hay từ sân, thấy người khác làm không vừa ý?
– Mình nói để giúp người, hay để thỏa cái tâm “muốn người ta nghe mình”?
Những câu hỏi đó dẫn tôi tới một hướng khác – không phải học cách “nói hay”, mà là chuyển hóa cái tâm.
Khi tâm lắng lại, khi ý hướng lành khởi lên, thì lời nói tự nhiên sẽ có từ bi, có trí tuệ – không cần học kỹ thuật làm gì. Không có lời nói nào tự nó gây tổn thương, chỉ có tâm nào đằng sau mới là gốc rễ của nghiệp.
Tôi hiểu ra – muốn nói để người ta không tổn thương, trước tiên mình phải nói từ tâm không tổn hại. Không sân, không kiêu, không muốn thắng ai. Tôi không tập “nói khéo” hoặc tránh né như kiểu người ta hay làm.
Tôi tập thấy tâm mình trước khi nói, và nếu tâm chưa đủ tĩnh, tôi im lặng.
Vì im lặng từ trí tuệ, còn quý hơn ngàn lời nói ra từ tâm chưa thuần.
Thằng em thì giờ đã là Phó Giáo sư – TS, còn tôi vẫn là “anh”, nhưng từ hôm nó góp ý, tôi biết mình bước qua một ngưỡng khác – không phải trong giao tiếp, mà là trong hành trình nhìn thấy tâm của chính mình.
————–
With Metta
TT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *