Phạm Văn Trọng Tính

Dạo bước chốn nhân gian!

Học Mà Không Chạm Đất

Có những ngày, tôi nhìn quanh giảng đường và thấy người ta học như thể đi mượn một chiếc áo không vừa. Bên ngoài là lý thuyết lấp lánh, trích dẫn dày đặc, ngôn ngữ mượt mà. Nhưng bên trong là khoảng trống. Không một câu hỏi thật, không một băn khoăn đến từ chính đời sống mình.

Người ta gọi đó là học. Là nghiên cứu. Nhưng có khi chỉ là sự chắp nối. Ghép những đoạn văn từ nhiều nơi, đặt dưới một tiêu đề, rồi gọi đó là thành tựu.

Người học thì mệt mỏi vì những khái niệm xa lạ, những lý thuyết chất đầy trang giấy mà chẳng biết dùng để làm gì trong cuộc đời thật. Các em vẫn ghi chép đầy đủ, làm bài đúng cấu trúc, trả lời trôi chảy. Nhưng khi bước ra khỏi lớp, mọi thứ như chưa từng tồn tại. Không ai hỏi: Các em đang nghĩ gì? Có từng đặt câu hỏi nào cho chính mình? Có khi nào nhìn thấy bài học đang diễn ra ngoài kia – nơi có bà cụ ngồi bán vé số, hay người cha đang loay hoay tìm việc?

Người dạy cũng cô đơn theo cách của mình. Bao nhiêu năm đứng lớp, cứ giảng đi giảng lại một chương trình quen thuộc. Có lúc nhìn xuống, thấy ánh mắt học trò đã rời đi đâu mất. Có lúc muốn chia sẻ điều gì thật hơn, gần gũi hơn, nhưng lại sợ bị cho là lạc đề. Sợ không đúng khung chuẩn, sợ bị đánh giá là cảm tính.

Thế là cả hai phía đều mỏi mệt. Mỗi bên mang một nỗi ngờ vực lặng lẽ. Ta đang làm điều này vì ai? Học để làm gì? Dạy để làm gì?

Sự học, nếu không cắm rễ vào đời sống thật, sẽ chỉ là chiếc lá rơi không phương hướng. Những điều ta học không nhất thiết phải nhiều, nhưng cần chạm vào được người học. Một ý tưởng biết lắng nghe. Một tình huống gợi mở suy nghĩ. Một lần cho phép lớp học im lặng một chút để chiêm nghiệm.

Có những câu hỏi không nằm trong giáo trình. Có những lời đáp không đến từ sách vở. Mà đến từ một buổi lặng ngồi, một khoảnh khắc quan sát đời sống chuyển động chậm rãi. Khi lòng mình lắng xuống, có thể sẽ hiểu được điều mà bài giảng không thể dạy.

Người học không cần một người thầy hoàn hảo. Chỉ cần một người đủ thật. Đủ gần để nghe được những điều các em chưa nói ra. Đủ sâu để thấy điều quan trọng nhất trong một bài học không nằm ở nội dung, mà ở cách sống của người dạy.

Và người dạy, cũng không cần học trò giỏi giang hay xuất sắc. Chỉ mong một ngày nào đó, các em tự thấy được ý nghĩa của việc học. Không phải để hơn người khác, mà để hiểu chính mình. Để biết rằng mình có thể sống tử tế, có thể lắng nghe và góp phần làm nhẹ đi những nhọc nhằn của cuộc sống quanh mình.

Lúc ấy, người dạy và người học không còn đứng ở hai phía. Mà cùng đi trên một con đường. Gieo những hạt giống bình an. Trồng lại sự tử tế trong một thời đại quá nhiều xô lệch.

Bởi có những điều phải sống rồi mới hiểu. Có những bài học nằm trong sự lặng im. Và có những người thầy không giảng một lời, nhưng để lại trong ta một sự tỉnh táo suốt đời.
———–
With Metta
TT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *