Phạm Văn Trọng Tính

Dạo bước chốn nhân gian!

Sự nham hiểm mang tên tri thức

Tri thức, trong hình dung của nhân loại từ buổi sơ khai, từng là ngọn đuốc xua đi bóng tối vô minh. Nó là khát vọng, là cứu cánh, là hành trình con người vượt lên khỏi sợ hãi bản năng để chạm tới cái đẹp, cái đúng, cái thiện. Nhưng càng đi xa trên con đường tích lũy tri thức, con người lại càng dễ lạc. Khi tri thức không còn gắn với sự tỉnh thức, khi hiểu biết không đi cùng với lòng nhân, nó biến thành một loại nham hiểm cao cấp: ngọt ngào trong ngôn từ, chuẩn mực trong lý luận, và chết người trong hệ quả.

Thời nay, người ta không còn sợ kẻ cầm dao, mà sợ kẻ cầm bút. Không còn run rẩy trước bạo lực trần trụi, mà bị khuất phục bởi lời nói trơn tru, báo cáo chỉnh chu, lý lẽ không kẽ hở. Tri thức không còn là ánh sáng soi đường, mà trở thành lớp mặt nạ bóng bẩy che giấu những ý đồ trục lợi, những cơ chế loại trừ, những mô hình vận hành vô cảm mà ít ai dám đặt câu hỏi. Và vì nó khoác áo học thuật, khoác danh nghĩa “đã qua kiểm chứng”, người ta tiếp nhận nó như lẽ thật, không nghi ngờ.

Sự nham hiểm ấy bắt đầu từ khi tri thức bị phong tỏa trong các định chế: học thuật, giáo dục, hành chính, doanh nghiệp. Khi một nhóm người được gọi là “giới tinh hoa tri thức” bắt đầu nhân danh sự hiểu biết để định đoạt cách người khác phải sống, phải học, phải hành xử, thì tri thức không còn là con đường chung, mà là bức tường ngăn. Họ thiết lập ngôn ngữ riêng, thuật ngữ riêng, tiêu chuẩn riêng. Những ai không thuộc về hệ quy chiếu đó sẽ bị xem là lạc hậu, thiểu năng, cản trở tiến bộ. Và thế là, tri thức, từ chỗ giúp con người đến gần nhau, nay lại trở thành lý do để tách biệt.

Nguy hiểm hơn, khi tri thức đi kèm quyền lực – quyền được phát ngôn, quyền ra quyết định, quyền định hình xu hướng – nó dễ dàng trở thành công cụ thao túng. Người ta viện dẫn lý thuyết, trích dẫn học giả, dùng số liệu để tô điểm cho các chính sách không nhân đạo, để hợp lý hóa những hành vi phi đạo đức, để che giấu lòng tham bằng những mỹ từ như phát triển, đổi mới, thích nghi. Và khi những quyết định ấy gây tổn thương, họ có sẵn một bộ lý luận để biện minh: “Đó là cần thiết”, “Đó là quy luật tất yếu của thời đại”.

Nhưng tổn thương vẫn là tổn thương, dù được giải thích trôi chảy bằng bao nhiêu biểu đồ hay thuật ngữ chuyên môn. Người mất việc vẫn mất việc, người yếu thế vẫn bị bỏ lại, và tiếng kêu thầm lặng của những phận người bên dưới hệ thống lý luận ấy, không được nghe thấy. Bởi họ không biết dùng tri thức để bảo vệ chính mình.

Có một thứ độc tài âm thầm mang dáng vẻ rất văn minh: đó là sự thống trị của lý trí không trái tim. Một kiểu đàn áp tinh vi đến mức người bị áp bức cũng tin rằng mình xứng đáng bị như vậy, vì “không theo kịp”. Một kiểu loại trừ được thực hiện bằng những quyết định khoa học, bằng ngôn ngữ hợp lý, bằng bảng điểm, bằng báo cáo, bằng đánh giá định lượng, chứ không cần dùng đến bạo lực. Và ở nơi đó, kẻ gây ra đau đớn lại không hề thấy tội lỗi. Họ tin rằng mình đang làm điều đúng, điều tốt, điều tiến bộ.

Có những người dạy về đạo đức nhưng sống bằng sự coi thường. Có những người nghiên cứu nhân văn nhưng lại xem thường cảm xúc người khác. Có những người tung hô tư tưởng giải phóng nhưng vẫn muốn kiểm soát sinh viên của mình bằng quyền lực học thuật. Họ có học vị, có học hàm, có danh tiếng, nhưng thiếu một thứ cơ bản nhất: khả năng nhìn người khác như một con người.

Tri thức trở nên nham hiểm khi nó đánh mất sự khiêm nhường. Khi người ta học không còn để hiểu, mà để hơn người. Khi kiến thức không dùng để khai sáng, mà để tranh luận, bác bỏ, giành phần thắng. Khi học vị được xem là huy hiệu để leo cao, chứ không phải là lời nhắc nhở phải sống tử tế hơn.

Một xã hội đánh giá cao trình độ mà coi nhẹ tâm độ sẽ dần trở thành một xã hội lạnh lùng. Nơi đó, người ta không còn hỏi nhau rằng: “Việc anh làm có khiến ai bị ảnh hưởng  không?”, mà chỉ hỏi: “Việc ấy có hiệu quả không? Có nằm trong chỉ tiêu không? Có đúng quy trình không?”. Và cứ như thế, nhân tính bị đẩy lùi khỏi đời sống, nhường chỗ cho sự hợp lý khô cứng, vô cảm.

Tri thức không có lỗi. Nhưng con người sử dụng nó sai cách thì có lỗi. Lỗi lớn. Lỗi kéo dài qua nhiều thế hệ. Lỗi phá vỡ mối dây liên kết mong manh giữa sự hiểu biết và sự tử tế.

Chúng ta cần tri thức. Nhưng càng cần hơn là những con người tỉnh thức. Biết dừng lại giữa cơn say lý luận để hỏi: mình đang làm điều đúng, hay chỉ đang đúng một cách vô cảm? Mình đang phục vụ sự thật, hay đang phục vụ cái tôi? Mình đang học để thành người, hay học để làm lớn?

Chỉ khi tri thức trở về với con người, khi nó được đặt trong nền tảng của lòng từ bi và sự tỉnh thức, thì nó mới thực sự là ánh sáng. Còn nếu không, nó chỉ là một thứ bóng tối biết nói lời hoa mỹ. Và đó mới là điều đáng sợ nhất của thời đại này.

————
With Metta
TT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *