Không phải lúc nào im lặng cũng là trí tuệ.
Và không phải lúc nào lên tiếng cũng là sự quan tâm.
Chúng ta sống giữa muôn trùng chuyện đời. Mỗi ngày, mắt thấy, tai nghe, tâm động. Có những chuyện chẳng liên quan, nhưng lòng vẫn rung lên một nhịp. Có những khoảnh khắc, ta đứng giữa hai lằn ranh mỏng: giữa tham gia với hiểu biết, và bàng quan trong cái tên “không phải việc mình”.
Có người chọn lên tiếng vì thấy bất công, vì không thể quay mặt trước điều sai trái. Họ không nói để khoe khoang, không góp ý để tỏ ra hơn người, mà vì trong lòng họ có một ngọn lửa hiểu biết và từ bi. Họ tham gia bằng trí tuệ, bằng tỉnh thức, bằng cái tâm không vị kỷ.
Cũng có người chọn im lặng, nhưng không phải vì vô cảm. Họ hiểu rằng, không phải lúc nào lời nói cũng là ánh sáng. Có những lúc, sự hiện diện vững chãi, thinh lặng và từ ái, chính là cách giúp người khác hồi phục. Họ không đứng ngoài để thờ ơ, mà để không trở thành gánh nặng trong lúc người khác đang tự chữa lành.
Ngược lại, cũng có những người xen vào chuyện người khác không vì từ bi, mà vì cái tôi muốn can thiệp. Và cũng không hiếm những kẻ chọn đứng ngoài chẳng phải vì trí tuệ, mà vì sợ liên lụy, sợ dấn thân, sợ vỡ cái vỏ an toàn của mình.
Thế nên, đừng vội kết luận ai đúng ai sai chỉ qua lời nói hay sự im lặng.
Cái tâm phía sau hành động mới là điều cần soi xét.
Bởi vậy, sống giữa cuộc đời, ta học cách lắng nghe chính mình:
Khi nào cần lên tiếng?
Khi nào nên im lặng?
Và im lặng ấy là trí tuệ hay chỉ là lớp mặt nạ cho sự thờ ơ?
Giữa dòng đời xao động, sự tỉnh thức là chiếc la bàn.
Để ta không quá hăng hái mà đánh mất sự khiêm cung,
Cũng không quá vô tâm mà thành ra bàng quan, vô cảm.
——–
With Metta
TT