Phạm Văn Trọng Tính

Dạo bước chốn nhân gian!

Tưởng….

Có một giai đoạn mà nhiều người học Phật, hoặc con người chúng ta trong cuộc sống thế gian đều sẽ bước qua – nơi “trí thức bắt đầu tự xưng là trí tuệ’, và ‘cảm xúc hỷ lạc ban đầu bị lầm là chứng đắc”.
Đó là khi những lời kinh, những câu tục ngữ, lời dạy của cha ông hay những sách về tâm lý, kỹ năng sống trở nên quen thuộc, những bài pháp nghe qua như đã thấm, và những suy tư sâu sắc về vô thường, khổ, vô ngã khiến nội tâm chấn động. Từ đó, một cái thấy vi tế khởi lên trong tâm: “Ta đã hiểu”, “Ta đã thấy”, thậm chí – “Ta đã giác ngộ phần nào”.
Đó là một cái bẫy. Một cái bẫy ngọt ngào, kín đáo và khó nhận ra nhất trên con đường tâm linh.
Tâm vi tế ấy không to tiếng, không ngạo mạn. Nó ẩn sau dáng vẻ khiêm tốn, nụ cười từ bi, ánh mắt trầm lắng. Nhưng bên trong, cái tôi đã kịp tái sinh trong hình tướng mới – một cái tôi “hiểu đạo”, “hơn người”, “đang trên đường giải thoát”.
Đây là một vòng luân hồi khác – không còn mang hình tướng tham sân dễ thấy – mà là “luân hồi của bản ngã vi tế trong pháp học và pháp hành”.
Lúc ấy, nghe một ai đó nói sai, tâm khởi lên “thấy thương” – nhưng thật ra là cái ngã đang nhìn xuống. Thấy người chưa học, tâm muốn “độ” – nhưng là cái ta muốn thể hiện lòng từ. Và khi ai đó góp ý, dù đúng, tâm khẽ co lại, tự nhủ: “Họ chưa thấy như mình.”
Tất cả đều rất nhỏ. Rất mảnh. Rất khó nắm bắt.
“Vì không phải cái ngã thô” – mà là một “ngã vi tế trong vỏ thiền và đạo lý”. Chính vì thế, nhiều người tu lâu hoặc có chút học hành, bằng cấp, lại càng khó buông. Vì cái ngã ấy đã khoác áo của ánh sáng, đã học cách trích dẫn kinh điển, đã nói ra những lời “vô ngã” – trong khi tâm vẫn ngấm ngầm bị cuốn theo danh tiếng, vị trí, hoặc khao khát đặc biệt hơn ai.
Thật ra, sự chứng ngộ không bao giờ đi qua lời nói, không nằm trong số năm, hay qua bằng cấp. Nó cũng không nảy sinh khi tâm khởi hỷ lạc ban đầu vì thấy vô thường, hay buông được một vài vọng tưởng nhất thời.
Sự chứng ngộ đích thực – nếu có – luôn đi kèm một sự tan rã. Tan rã của ý niệm, tan rã của khái niệm, và tan rã của cái biết tự mãn rằng “ta đã thấy”.
Một hành giả thật sự, càng đi sâu, càng thấy ra vô vàn sự ngộ nhận. Càng tu, càng thấy mình còn mê. Càng học, càng thấy sự lười nhác trong chánh niệm. Và càng tỉnh, càng thấy bao lần cái tâm mượn đạo để làm đẹp cho chính nó.
Trong Pháp cú, đức Phật từng nói:
“Dẫu nói ngàn lời kinh, nếu không thực hành, cũng không bằng người sống chánh pháp, dù chỉ một ngày.”
Sự thật này chẳng bao giờ cũ. Vì Đạo không nằm ở những gì đã học, mà ở thái độ mỗi khi tâm vọng khởi.
Không phải đã nghe bao nhiêu, hiểu bao nhiêu – mà là mỗi khi phiền não trỗi dậy, ta có còn nhận lầm nó là mình?
Nếu có thể tự nhắc mình một điều trên đường tu, có lẽ nên nhắc:
“Ta vẫn đang mê.”
“Ta vẫn còn vô minh.”
Và đó không phải là tự hạ thấp – mà là đứng đúng chỗ của một người học đạo thật lòng.
Một bậc thầy từng dạy:
“Chứng ngộ không có người chứng. Nếu còn có ai đó để ‘đã chứng’, thì đó là ảo tưởng lớn nhất.”
Trong học tập bằng cấp thế gian cũng vậy, và trong tu tập cũng vây, không phải để thành một người chứng ngộ – mà là để nhìn thấu bao lớp ngã tưởng đã giác trong mình.
Lặng lại. Nhẹ đi. Bước từng bước chân không mang theo những “nhãn hiệu tâm linh” nữa.
Vì càng nhẹ, ánh sáng càng dễ chiếu vào.
—++–
With Metta
TT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *