Gần đây, thấy tôi hay viết vài dòng suy ngẫm trên Facebook, “người yêu bé nhỏ” của tôi có nhắc:
“Anh viết kiểu đó, nhiều người đọc xong hiểu lầm, tưởng anh đang nói họ…”
Tôi lặng. Không phải vì em sai. Mà vì thấy đúng – theo cách riêng của cả hai.
Thật sự, có nhiều người sẽ “nhột”, sẽ bực, sẽ tự gán mình vào những dòng không dành cho họ. Nhưng những câu chữ ấy chưa từng được viết để chĩa vào ai. Chúng chỉ là hành trình lặng thầm – để quay lại với chính mình.
Sau những ngày bận rộn đến tối mặt tối mũi, có khi chỉ vài phút tĩnh mới đủ để nghe lại lòng. Khi tâm lắng xuống, câu chữ tự trào ra – không phải để “dạy đời”, mà để “dạy mình”. Những lúc viết là những lúc thật nhất – không sân khấu, không khán giả – chỉ có tâm đang ngồi đối diện chính nó.
Em kể:
“Có chị trong cơ quan đăng một dòng trạng thái trên Zalo, ngay trong giờ làm việc – chỉ là đôi dòng chia sẻ vu vơ thôi, nhưng lãnh đạo thấy được liền nhắc nhở: ‘Làm việc mà còn lên mạng, mất tập trung quá!’”
Tôi nghe, và mỉm cười.
Bởi tôi khác. Tôi biết giới hạn của mình.
Tôi không viết trong giờ làm việc. Không than thở, đổ lỗi. Không dùng từ ngữ làm tổn thương bất kỳ ai.
Tôi có công cụ lên lịch đăng bài – nên người ta thấy hiện ra lúc 9h sáng, nhưng có thể tôi đã viết từ 2h khuya… sau một buổi tối đầy trăn trở – như cách mà nhiều người viết nhật ký cho riêng mình.
Tôi không viết để ai đó gật gù, cũng không viết để nhận được “like” hay “chia sẻ”.
Tôi viết – như một cách thở. Như một cách để không bị trôi tuột trong những lớp vai, lớp diễn, lớp ồn ã của đời sống.
Em lại kể thêm một chuyện nhỏ khác:
“Hôm tết, có chị mặc đồ đen đến cơ quan. Lãnh đạo nhắc ngay: ‘Ngày vui mà mặc vậy là xui xẻo…’”
Tôi không cười vì chuyện buồn cười, mà vì nhận ra một điều rất cũ:
Con người thường chắp vá, gán ghép, phóng chiếu – rồi tự dựng nên cả một thế giới đầy kiêng kỵ và sợ hãi.
Màu sắc – rốt cuộc chỉ là màu.
Trắng được gán là tang tóc trong văn hóa phương Đông.
Đen là biểu tượng u ám trong văn hóa phương Tây.
Nhưng tất cả chỉ là biểu tượng – những điều do con người đặt ra, rồi tin vào đó như một thứ mặc định.
Khi sợ điều xui, người ta né màu đen. Khi ngại buồn bã, người ta tránh cả vài dòng tâm sự trên mạng. Nhưng bản thân nỗi sợ mới là điều đáng nhìn sâu – không phải màu áo hay một status hiển thị vào sáng lễ.
Chính nỗi sợ chưa được hiểu rõ khiến người ta dễ tổn thương, dễ nhạy cảm, và dễ hiểu lầm.
Cũng như khi đọc một bài viết – nếu trong lòng còn vướng, sẽ tự tưởng rằng có ai đó đang “ám chỉ mình”.
Nhưng thật ra, ai đang chỉ vào ai? Hay chính tâm trí đang chỉ vào chính nó?
Tôi có nói với em:
“Mọi thứ chỉ là biểu tượng.
Vui hay buồn không nằm ở màu sắc.
Ý nghĩa không nằm ở dòng chữ.
Tâm chưa yên thì nhìn đâu cũng thấy điềm.
Còn nếu thấy rõ bản chất mọi thứ là vô thường, thì không cần phải né tránh – chỉ cần sống, có mặt một cách tỉnh thức.”
Câu chữ – như làn khói mỏng – chỉ có ý nghĩa khi nó giúp mình soi chiếu chính mình.
Không phải để chứng tỏ điều gì. Không phải để làm đúng với ai.
Mà là để trở về với lòng mình, lặng lẽ.
Nếu có ai thấy “nhột” khi đọc – có lẽ một phần trong họ đang cựa quậy.
Nếu có ai không thích – thì cũng không sao.
Người thương sẽ hiểu. Người ghét thì vốn đã chẳng cần lý do.
Tôi chỉ đang tập viết như cách người ta tập thở –
Để mỗi hơi thở là một lần trở về với chính mình.
Không cần phải đúng, chẳng cần hay – chỉ cần thật.
Không để chiều lòng ai – chỉ để khỏi lạc mình giữa bao lớp phóng chiếu và gán ghép của cuộc đời.
—
TT